Họ và tên: Bùi Thị Thanh Hiếu
Đơn vị công tác: Trường THCS Lê Lợi – Hải An
Địa chỉ: 423 Cát Bi, Phường Cát Bi, Quận Hải An, Thành phố Hải Phòng.
Số điện thoại: 0934343876
BÀI DỰ THI
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông, suối. Người viết: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Tại Lễ truy điệu Người, trong Điếu văn Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Duẩn đọc, đã khẳng định “suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch”; và những năm sau đó, khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Hoàn toàn có thể thấy rõ được một điều rằng những lời dạy ấy vẫn luôn được các thế hệ nối tiếp coi trọng, dù cho con người ta đang sống ở cột mốc nào của cuộc đời, ở giai đoạn nào của xã hội. Hưởng ứng “Cuộc thi viết để lan tỏa những tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” của Ban Tuyên giáo Quận ủy Hải An, Hải Phòng; trường THCS Lê Lợi luôn đi đầu trong việc hưởng ứng, tham gia và đóng góp ít nhiều những giải thưởng lớn nhỏ. Góp phần làm nên điều ý nghĩa lớn đó là những hành động nhỏ của không ít “đội ngũ lái đò thầm lặng” ở ngay dưới mái nhà chung này. Tôi nhớ như in cái bóng hình ấy, nhỏ nhắn bước đi giữa khoảng sân trường lát gạch rộng lớn, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bổn đã cho tôi thấy rõ hơn nhiệt huyết cần có của một nhà giáo, mang dòng chảy của sự lan tỏa, để đến ngày hôm nay, tôi ở đây, với vai trò là đồng nghiệp với bóng dáng năm ấy tôi đã từng ngưỡng vọng.
Hình ảnh cô Nguyễn Thị Thanh Bổn bên học trò trong những cuộc thi và các hoạt động ngoại khóa.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bổn, giáo viên bộ môn Ngữ văn, công tác trong ngành tới nay cũng đã gần 30 năm. Với thâm niên dày dặn kinh nghiệm, cô mang đến cho học sinh những tiết học vững chắc về mặt kiến thức, những bài giảng dễ hiểu, dễ nhớ mà vẫn mang đậm không gian văn học. Học sinh luôn trân trọng từng tiết học của cô, bởi lẽ, mặc dù thời lượng tiết học hạn chế nhưng tôi vẫn nhận ra rằng cô luôn cố gắng chuẩn bị kế hoạch bài giảng thật chu đáo, tỉ mỉ; nên những tiết học ấy dường như không có chút khoảng nghỉ nào dành cho sự nhàm chán chen vào. Nhờ vậy, không khí lớp học càng trở nên đáng nâng niu đến lạ. Trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia, cô cũng không ngần ngại trong công tác đổi mới; cô tìm tòi, khám phá những cách truyền tải kiến thức một cách mới mẻ hơn, có sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin, những ứng dụng hiện đại. Mặc dù tôi thấy được những nét vụng về bên trong đó nhưng đó là những sự vụng về đáng trân trọng, bởi cô luôn cho rằng “Bản thân giáo dục cũng cần phải được giáo dục”.
Hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bổn cùng những tiết học online.
Một trong những điểm mà tôi ấn tượng nhất về cô đó là sự rung cảm mà cô mang lại về một tấm gương đạo đức trong lối sống. Nét chữ mềm mại, uyển chuyển ghi trên góc tài liệu học tập, hay góc bảng đen cùng dòng phấn chữ “ Học, học nữa, học mãi, học suốt đời” được cô thường xuyên sử dụng để khuyên bảo mỗi khi thấy học sinh của mình xuất hiện những dấu hiệu của sự trì trệ trong học tập; cô đan xen vào những bài dạy, khuyến khích và đề cao tinh thần tự học của mỗi cá nhân học sinh. Dần dần, không biết từ bao giờ nó cũng đã trở thành châm ngôn sống và học tập của tôi. “Học là để mở thêm cho mình thật nhiều những cánh cửa với thật nhiều những sự lựa chọn; học ở bất kì đâu, bất kì hoàn cảnh nào; học từ những người thân thuộc nhất; học là để thực hành, là để làm người…”. Cô quan tâm, cũng chia sẻ thật nhiều bài học thực tế từ những câu chuyện đời thường, khơi gợi niềm đam mê học tập từ những điều nhỏ bé mà ý nghĩa. Cũng từ thuở đó mà tôi nhận ra sức nặng của câu nói “bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người”.
Tới đây tôi muốn nói rằng, sự quan tâm đặc biệt ấy mà tôi dành cho cô cũng là bởi lẽ cô không chỉ là người đồng hành cùng tôi đi qua một đoạn hành trình ngắn ngủi nhờ vào sự kết nối của sợi dây tri thức, mà cô đồng thời còn là người thầy đầu tiên trên hành trình của tôi ở thế gian này. Cô ấy là mẹ tôi - người mang tôi tới bên mẹ và trao cho tôi cơ hội thưởng thức cuộc sống này. Mẹ cũng là lần đầu làm mẹ, lần đầu làm thầy, lần đầu nhận ra rằng “một đứa trẻ được dạy bảo tốt sẽ trở thành người tốt”.
Mẹ lớn lên trong một gia đình làm cho giáo dục, dòng máu chảy trong mẹ, tới nay, vẫn luôn là như vậy. Mẹ cống hiến cho sự nghiệp trồng người chưa một ngày ngưng nghỉ. Mẹ nhỏ bé giữa thế gian rộng lớn. Thời gian bào mòn đi tuổi tác của mẹ, nhưng lại càng củng cố thêm lòng nhiệt thành, sự tận tụy với nghề, một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Mẹ cũng từng là một cô nàng lém lỉnh, hồn nhiên, nhỏ nhắn trong chính chiếc áo dài trắng cắt ngắn. Nhiệt huyết tuổi trẻ khi mới bước chân vào nghề, tựa như mới ngày hôm qua. Mẹ giản dị, gần gũi, nụ cười không bao giờ tắt trên môi. Qua những tấm hình, qua sự yêu quý mà học sinh dành cho mẹ, tình yêu trò; lớp lớp những cô cậu học sinh, bất kể là còn ngồi trên ghế nhà tường hay đã rời chiếc ghế đó đi chăng nữa, chỉ cần có dịp, họ đều ghé qua căn nhà nhỏ của mẹ để hỏi thăm, kể chuyện, tâm sự bên mâm cơm ấm cúng.
Hình ảnh cô giáo Thanh Bổn nhỏ nhắn, đoan trang và đầy nhiệt huyết khi còn là một cô sv sư phạm, tham gia lớp học Cảm tình Đảng.
Rồi khi tiếng cười nói nhường chỗ cho tiếng loạt xoạt lật mở trang giấy vào mỗi tối, mẹ lại cặm cụi bên tập kế hoạch bài dạy, im ắng mà cũng thật nhẹ nhõm. Mẹ sôi nổi mà lại rất trầm lặng. Là một người kính nghiệp, mẹ vô cùng kính trọng, biết ơn những người thầy, người cô, người bạn đã từng là một phần không nhỏ trong quãng thời gian còn là học trò của mẹ. Nhìn mẹ kể về họ với ánh mắt đầy hứng khởi, tôi biết mẹ cũng đã từng trân trọng những phút giây khi còn đi học và những kí ức ngày đó đến nhường nào.
Nhắc tới người thầy đầu tiên không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người thì đối với tôi, đó chính là mẹ. Mẹ dạy tôi những điều nhỏ nhất, từ những ngày đầu tiên; tập nói, tập đi, tập sinh hoạt và tập khôn lớn… Với tôi, mẹ lại trở nên rất nghiêm khắc, thỉnh thoảng có phần cứng nhắc, rập khuôn. Nhưng từ khi tôi nhận ra đó là cả một hành trình nỗ lực của mẹ, tôi đã thực sự đã biết lắng nghe mẹ nhiều hơn. Mẹ tạo cho tôi điều kiện tốt nhất trong khả năng của mẹ, mẹ cho tôi cơ hội, chỉ dẫn cho tôi con đường đi. Để rồi giờ đây, là một “học sinh cá biệt” của mẹ mà tôi đã trở thành chính mẹ của những năm trước đây. Tôi sẽ nỗ lực trên hành trình “Tri ân bằng sự đồng hành” của mình.
Hình ảnh cô giáo Thanh Bổn tươi tắn trong lễ khai giảng năm học mới.
Tôi tự hào về mẹ, tự hào về những cố gắng dù là nhỏ nhất của mẹ, tự hào rằng mẹ chính là thầy giáo, là một phần không thể thiếu trong sự hình thành và đẩy mạnh tinh thần học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cá nhân tôi cũng như rất nhiều những cá nhân, học sinh khác nữa mà mẹ đã lan tỏa.